Với mỗi người Việt Nam, Tết không đơn giản là những ngày nghỉ lễ mà còn chan chứa những xúc cảm thiêng liêng. Mỗi thời, Tết biến đổi một khác, nhưng về căn bản thì phong tục, bản sắc vẫn được gìn giữ, đó chính là sự chỉn chu chuẩn bị trong những ngày cận Tết, là tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên mâm cỗ cúng tất niên. Ngày nay, ở mỗi miền do có sự khác nhau về vị trí địa lý và thói quen ăn uống nên cũng có những món ngon ngày Tết khác nhau.
      Ca dao Việt Nam có câu: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh". Tuy văn hóa của mỗi gia đình có khác nhau nhưng bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành là những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày xuân của các gia đình miền Bắc.
      Với người dân miền Bắc, bánh chưng được ví như linh hồn của mâm cơm ngày Tết bởi nguyên liệu để tạo nên chiếc bánh chưng là sự hội tụ của tinh hoa đất trời. Sự kết hợp khéo léo và vừa đủ các nguyên liệu như gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh sẽ tạo nên một chiếc bánh chưng thơm ngon, đậm hồn dân tộc. Bánh chưng có thể ăn kèm với hành muối hoặc có thể ăn cùng với đường, với mật để cảm nhận sự ngọt ngào, thơm mát trong từng miếng bánh. Một cặp bánh chưng xanh trong giỏ quà Tết còn là món quà biếu thiêng liêng trọn tình, vẹn nghĩa của mọi người dành tặng nhau, ước mong một năm mới mưa thuận gió hòa, gia đình sung túc vẹn với niềm vui viên mãn.
Bánh Chưng
      Mâm cỗ ngày xuân miền Bắc ngoài bánh chưng, dưa hành còn có nhiều món khác như: giò lụa, chả quế, gà luộc, cá kho riềng… Trong số đó có một món ăn không thể không nhắc đến, đó là thịt đông. Thịt đông có thể ăn kèm với cơm nóng, dưa chua, củ hành muối. Trong cái lạnh se sắt của mùa xuân miền Bắc, hình ảnh đại gia đình quay quần bên mâm cơm ngày Tết với bánh chưng, dưa hành… luôn là một hồi ức đẹp của mỗi người con xứ Bắc, nhắc nhở mỗi người về một nét văn hóa đẹp trong truyền thống dân tộc Việt Nam.
Thịt đông
      Đối với những con người miền Trung chịu thương chịu khó thì năm hết Tết đến cũng là lúc để mọi người nghỉ ngơi sau những bận rộn của một năm dài. Ngoài những món mang âm hưởng chung của cả nước như bánh chưng, bánh tét, giò lụa … người miền Trung còn đón tết Nguyên Đán với những món "đặc sệt" phong vị miền Trung như: dưa món, nem chua, tré,... hay món "bắp bò ngâm nước mắm"- một món ăn đặc trưng và không kém phần độc đáo trong mâm cơm ngày Tết của người miền Trung.
      Nem, tré xưa kia vốn là món ăn cao quý ở chốn cung đình. Không biết tự bao giờ, nem, tré trở nên phổ biến trong dân gian và trở thành món ngon ngày Tết không thể thiếu của người miền Trung. Chiếc nem, tré no tròn vung thịt màu hồng tươi, bao nhiêu hương vị mộc mạc, thơm lành như quyện trong vị giác. Sự góp mặt của nem, tré không chỉ giúp mâm cơm ngày Tết thêm phần tươi sắc, mà còn là biểu hiện cho lòng thành kính của con cháu hướng về nguồn cội, ông cha để cảm nhận cái hồn của dân tộc.
Tré
      Ngoài những món ăn dân dã nhưng đậm hồn dân tộc trên, người dân miền Trung cũng rất hay làm món "bắp bò ngâm nước mắm" mỗi độ xuân về. Bắp bò tươi ngâm với nước mắm, giấm, đường... độ 3-4 ngày là có thể ăn được. Món ăn được ưa chuộng không chỉ bởi dễ chế biến mà còn thơm ngon, dễ bảo quản, đặc biệt là dễ tiếp khách trong 3 ngày Tết.
Bắp bò ngâm nước mắm
      Không khí Tết ở miền Nam bắt đầu nhộn nhịp từ đầu tháng chạp đến đêm giao thừa với những phiên chợ mở suốt đêm. Người miền Nam vui Tết là thế, nên có lẽ vì vậy mà những món ăn ngày Tết Nam bộ luôn phong phú và mang nhiều ý nghĩa.
      Nếu người miền Bắc có bánh chưng để dâng lên tổ tiên, trời đất thì người miền Nam cũng có bánh tét để thành kính cội nguồn. Chiếc bánh tét được người dân Nam Bộ chu đáo chuẩn bị trong những ngày cận Tết để kịp dâng lên cúng ông bà tổ tiên vào đêm giao thừa. Bánh tét có thể ăn với dưa món hoặc thịt kho tàu, củ kiệu… Ngoài ý nghĩa hướng về ông bà tổ tiên, thể hiện mong ước một năm mới no đủ, bánh tét còn là đặc trưng cho các món ăn ngày Tết do tục lệ không đụng đến bếp núc trong 3 ngày Tết của người dân Nam Bộ.
Bánh Tét
      Ngoài bánh tét, nhiều gia đình Nam Bộ cũng chuẩn bị các món ăn khác đón mừng xuân sang như: thịt kho hột vịt, canh khổ qua nhồi thịt, dưa giá, củ kiệu ngâm chua, giò thủ, giò lụa,… Với quan niệm vui của người dân Nam Bộ "Vui xuân là phải ăn hết mùng (mùng 10 Tết) cho tới "mền" (rằm tháng Giêng hoặc đến hết tháng Giêng)" nên ngày Tết đối với người dân Nam Bộ như một lễ hội lớn. Có lẽ chính vì thế mà ẩm thực ngày Tết Nam Bộ cũng vô cùng hào sảng và phong phú.
Thịt kho hột vịt
       Ngày nay, cứ mỗi dịp xuân về, dù có bận rộn đến đâu thì người người, nhà nhà cũng đều chuẩn bị những mâm cỗ thật tươm tất để dâng lên ông bà. Nhớ Tết là nhớ cảnh sum vầy của gia đình quanh mâm cơm đầu năm đầy ý nghĩa. Và dù là "mâm cao cỗ đầy" hay đạm bạc giản đơn thì mâm cơm ngày Tết vẫn đáng trân trọng, thể hiện nếp ăn ở thân thương của người dân đất mẹ. Đó cũng chính là nét văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam hướng đến một năm mới ấm no, hạnh phúc.
 
Share
Xem: 3713