Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Ý kiến khách hàng
Muốn ăn bánh ít lá gai
2009/02/05 10:25

Tôi ở làng Nhơn Khánh, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, hồi học lớp nhất. Ba tôi vốn là người thợ mộc, bận đi làm ăn xa nên gửi tôi ở nhà một người cô trọ học. Cô tôi tên cô Ba, ăn chay trường, là người làm bánh ít lá gai ngon nổi tiếng tại làng Nhơn Khánh.


Những buổi trưa, trong ngôi nhà mái lá mát mẻ, tôi thường nghe cô tôi ru đứa cháu gái: Muốn ăn bánh ít lá gai, Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi. Tiếng ru nghe buồn buồn, thương nhớ, đọng lại trong ngôi nhà nhiều cột gỗ lim trơn lĩn bay ra cánh đồng lúa phía trước, tan trong tiếng gáy của con cu đồng gọi bạn. Có lần, tôi hỏi cô tôi: “Cô ơi! Tại sao muốn ăn bánh ít lá gai, con gái phải lấy chồng Bình Định?”. Cô Ba cười: “Tại vì chỉ có người Bình Định mới làm được bánh ít lá gai ngon, dẻo, thơm. Ăn một cái là muốn ăn thêm cái nữa!”. Tôi hỏi: “Quê mình ở Lạc Điền – Tuy Phước, cách đây xa bộn, chắc vì vậy mà cô mới về đây làm dâu và được bên nhà chồng truyền nghề làm bánh ít lá gai?”. “Đúng đó cháu. Trước khi dượng Ba mày mất, đã truyền nghề lại cho cô. Nhờ cái gánh bánh ít đi bán dưới chợ Huyện mà cô đã nuôi được con, cháu ăn học nên người!”. Vườn nhà cô tôi rộng rãi nhưng chỉ trồng toàn những bụi lá gai sum suê phía sau. Quanh giếng, cô trồng thêm vài khóm bạch hạc. Lá gai nham nhám, to bằng bàn tay, được trồng bằng nhánh, nếu gặp đất tốt, phát triển nhanh. Lá gai làm bánh, rễ dùng sắc uống an thai, theo lời cô tôi nói. Trước phiên chợ nhóm một ngày, từ sáng sớm, cô tôi đã ra vườn hái từng rổ lá gai đem rửa sạch rồi bỏ vô cái cối gỗ giã nát. Tôi còn nhớ hình dáng cái cối gỗ thật đặc biệt. Nguyên một súc gỗ lớn, người thợ đẽo thành cái cối dưới nhỏ có bốn cạnh, lớn dần lên phía trên, vành cối loe rộng như một chiếc mũ. Cái cối gỗ nếu úp ngược trông giống như một chiếc mũ bằng gỗ của người Mễ Tây Cơ. Giã nát, quết nhuyễn lá gai xong, cô tôi vắt lấy nước cốt nhiều lần rồi dùng vải thưa lọc sạch. Đôi khi, trong lá gai, tôi thấy cô có bỏ thêm lá bạch hạc vào. Tôi hỏi, cô nói, cho mùi bánh thơm và có hương vị riêng. Xong cô dùng nước cốt lá gai ấy nhồi vào bột nếp làm bao bánh. Còn nhân, có khi là đậu xanh, có khi thêm cùi dừa nạo nhỏ. Có loại, để giá thành hạ bán cho tụi nhỏ ít tiền, cô còn làm thêm bánh ít lá gai nhân khoai lang trộn đậu xanh. Thường cô làm hai loại, bánh ít trần có rắc mè và bánh ít lá gai gói lá chuối. Làm xong, tất cả cho vào nồi hấp cách thuỷ. Bánh ít gói lá chuối hấp trước, sau đó mới hấp bánh ít trần. Những buổi học thi thức sớm, khi tôi dậy đã thấy trên bàn học cô để lại cho tôi vài cái bánh ít trần và mấy cái bánh ít gói lá trong một chiếc đĩa có đậy lại bằng một cái tô đất. Mở ra, mùi thơm lá gai quyện với mùi nếp bốc lên phảng phất. Đói bụng, cắn vào một miếng thấy thấm trong lưỡi cái dẻo thơm, ngon ngọt của hương vị quê nhà. Ăn xong một cái lại thấy thòm thèm muốn ăn nữa… còn cô tôi, lúc ấy có lẽ đang ngồi trên chiếc xe ngựa chạy lộc cộc từ con đường nhựa dẫn từ Cây Bông xuống chợ huyện An Nhơn trong đám sương mù lãng đãng. Sau này, xa quê, vào sống ở phương Nam, tôi vẫn nhớ nhiều đến mùi vị đặc trưng thơm thơm, dẻo ngọt của bánh ít lá gai. Nhưng hình như hương vị xưa đã dần dần mai một theo những người tha phương cầu thực. Hình như, cây lá gai, khi không được trồng trên mảnh đất Bình Định cũng đã nhạt dần chút hương xưa, không còn nồng đượm mùi đất nước quê nhà. Cho nên, muốn ăn bánh ít lá gai ngon, vẫn phải tìm về Bình Định. Câu ca dao ngày xưa, vẫn còn nguyên giá trị của nó: Muốn ăn bánh ít lá gai, Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi.
Hồ Ngạc Ngữ SGTT Online
Đầu trang    Trang chủ
  Bình chọn bài viết này
Tốt Khá Trung bình
  Ý kiến  (Tổng số:  0 )
Xin vui lòng đọc kỹ bài, trước khi gởi ý kiến. Xin cảm ơn!
? kiến
  Các tin khác
Bún mực (20/03)
Hương vị quê nhà: Đậm đà bún bò Huế (15/07)
Mùa ốc ở vịnh Lăng Cô (30/06)
Còn thương bánh ít lá gai (04/04)
Xôi đường (10/02)
  Web Link