- “Nghệ thuật ăn của người Huế trước hết là ăn nóng sốt còn giữ được mùi vị, kích thích sự ngon miệng và giữ vệ sinh. Trong món ăn phải có đủ yếu tố âm dương để phối hợp sức khỏe con người, như mùa nóng thì ăn món mát, nếu món ăn nóng thì kèm theo một vị ăn mát ghép trong món ăn đó”.
- Phong vị xứ Huế
- Và cái món có đủ những yếu tố nghệ thuật này chính là bún bò Huế. Một bát bún bò Huế có vị ngọt của xương bò, heo hầm chung với sả lấy nước, pha chút mắm ruốc cho dậy mùi, sợi bún to còn ướt và dai, ăn nóng với ớt và kèm một dĩa rau sống xanh tươi gồm: hoa chuối, rau muống chẻ và ít rau thơm. Trong tô còn nổi lên một miếng chả cua, miếng giò heo hầm mềm cùng với ít bắp bò giòn rụm, rắc ít hành hoa xanh ngắt lên trên. Người ăn chỉ nhìn thôi đã không kềm nổi.
- Không chỉ ở Huế mới có bún bò Huế, giờ đây, cái món ngon nổi tiếng này đã có mặt hầu hết 61 tỉnh, thành cả nước. Và điều thú vị nhất là một xứ có một kiểu nấu bún bò rất riêng nhưng vẫn gọi chung một cái tên là: Bún bò Huế.
- Trước nhất, Huế giữ lại được tên Huế là vì có những nguyên tắc và công thức chung mà không thể bỏ được, đó là: sả và mắm ruốc. Nấu bún bò Huế mà không có sả, hoặc mắm ruốc thì không bao giờ, không bao giờ gọi là bún bò Huế được cả. Có thể thay thịt bò bằng thịt heo, hoặc thêm cả trứng gà trứng cút vào tô. Nhưng mà cái vị mà sả và mắm ruốc trộn vào xào lên thì không có món nào ngoài bún bò Huế có. Cho nên ở Huế, không cần tìm bún bò Huế ở đâu xa, cứ đến phố nào nghe dậy mùi sả có lẫn chút mắm ruốc là biết phố đó có bán bún bò Huế. Ở Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, Cần Thơ... khắp nơi chốn đều thế cả.
- Chính vì vậy mà ăn bún bò Huế không mùa nào thích hợp bằng mùa thu. Ngoài sả và mắm ruốc, còn có vị cay nồng của ớt sào và miếng giòn ngọt của bắp bò. Người cha vẫn thường hay gọi con “mi ra đầu hẻm mua cho tau một tô xương bò nơi bà sáu bún bò”. Ở nhà, người cha đã có sắn một ít rượu nếp thơm mà mẹ ủ. Trời thu se lạnh, người mẹ cùng các con húp sùm sụp bát bún bò Huế, người cha nhâm nhi những khúc xương đã hầm nhừ cùng chén rượu, đó là hình ảnh thân thương mà muôn đời có ở đâu cũng không thể quên được. Cho nên, nhiều người nhắc đến bún bò Huế vẫn thường nhắc đến những gánh hàng rong bán bún của bà Ba, bà sáu, cô Năm ngoài một tiệm bún bò nổi tiếng ở Huế là bún bò Gia Hội.
- Tôi còn nhớ bạn tôi đã có một mối tình mà khi xem xong, bạn có thể đồng ý với tôi đặt tên mối tình ấy là “tình yêu từ bún bò Huế”.
- Thời sinh viên nghèo khó, đến ngày lĩnh tiền, việc đầu tiên là dẫn người tình đi ăn bún bò Huế. Tô bún ngày ấy không nhiều thịt, không có giò heo nhưng mà bù lại ăn rau thoải mái, mà các nàng vốn thích ăn rau hơn. Thế là đã được lòng nàng. Sau đó nàng mới sôi nổi hẳn lên nói vô vàn chuyện. Nhờ tô bún bò nóng sốt chăng? Đi làm rồi, lãng mạn nhất là những buổi chiều đón nàng về, rủ nàng đi ăn cũng vẫn là những nơi bán bún bò Huế nổi tiếng. Từ gánh hàng rong cho đến nhà hàng 3 miền sang trọng, nàng đều biết tuốt. Việc của mình là trả tiền, việc của nàng là sưu tầm các địa chỉ có bán bún bò Huế để thưởng thức mà thôi. Giai đoạn cuối cùng là cưới nàng rồi, không ngờ một hôm nàng ói mửa, chóng mặt khi đi ngang hàng bún bò. Cả hai vợ chồng mừng rỡ khi biết tin sắp có con, nhưng chán thay, nàng lại bị “nghén bún bò” món khoái khẩu nhất xưa nay. Cuối cùng thì phải đi ăn một mình. Cơn nghén rồi cũng qua. Vài tháng sau, khi nàng sắp sinh con, nàng dặn: “Khi nào em sinh xong, anh nhớ mua cho em một tô bún bò nhé!”. Y lệnh, hôm đầu tiên mua thức ăn tiếp sức cho bà đẻ... lặn lội tìm quán bún bò ngon nhất cho nàng. Không ngờ đã đem lại cho nàng bao sức lực. Nàng hồng hào trở lại và sau đó vài tháng, hai vợ chồng lại chở nhau đi ăn bún bò. Có lẽ nếu không có món bún bò Huế, chắc không có duyên phận này đâu. Sau này mỗi ngày chủ nhật rảnh rỗi, nàng thường nấu bún bò cho cả nhà ăn và các con cũng đâm ra ghiền bún bò luôn.
Thật ra mọi thứ đều có xuất sứ. Nàng trong câu chuyện này là con của một bà mẹ xứ Huế chính gốc theo gia đình vào Nam lập nghiệp. Người mẹ cũng mở gánh bún bò để bán nuôi con ăn học. Bà có một bí quyết rất riêng để nấu bún bò Huế thật ngon, vì vậy mà lúc nào cũng đông khách. Nhưng đến thời của nàng, mẹ nàng nhất định không truyền nghề vì chỉ mong nàng được học hành tử tế không phải buôn thúng bán bưng vất vả như đời và cuối cùng thì bà cũng toại nguuyện với sự thành đạt của con gái. Tuy nhiên cái món bún bò của bà đã thấm đẫm vào máu thịt người con. Đến khi bà qua đời, những đêm tâm sự cùng con, bà đã để lại bí quyết để sau này lỡ có chuyện gì thì người con vẫn có thể vượt qua bằng “bí quyết” gia truyền của mình.
- Tôi và nhiều người đã tò mò hỏi thăm bí quyết của chị. Chị mỉm cười và nói “mẹ tôi dặn làm đúng công thức, nhưng phần còn lại chính là cái tâm của người nấu. Cả đời mẹ tôi nấu thật ngon chỉ vì muốn không có người khách nào bỏ đi khi ăn bún bò của bà. Mà tôi nghĩ, không chỉ có nấu bún bò Huế mà món nào cũng thế. Mỗi khi nấu cho ai ăn, lúc nào tôi cũng tâm niệm là phải nấu làm sao mà người ta không bỏ mình được. Nhờ vậy mà tôi không bị mất người tôi yêu thương nhất và cũng không bị mất bạn bao giờ “.
- Tôi cũng quyết tâm làm đúng những gì chị nói để nấu được không chỉ một bát bún ngon mà còn nhiều món ngon khác nữa.